Cách tính lãi suất ngân hàng tùy theo loại dịch vụ gửi tiền mà sẽ khác nhau ở mỗi ngân hàng. Thông thường mức lãi suất tiết kiệm sẽ do bên ngân hàng đưa ra, tuân thủ đúng các quy chế về tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng nhà nước.
Cách tính lãi suất ngân hàng gửi tiết kiệm không kỳ hạn
Tiền gửi không kỳ hạn là loại tiền gửi tiết kiệm không cần đăng kí mức kỳ hạn kèm theo. Người gửi tiền có thể rút tiền mặt ở mọi thời điểm mà không cần thông báo trước với ngân hàng.
Dựa vào đặc điểm của loại tiền gửi này, bạn sẽ có cách tính lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn như sau:
Số tiền lãi sẽ được tính dựa trên số tiền gửi ban đầu nhân lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn (%/năm), sau đó nhân số ngày thực gửi và chia cho 360 (số ngày trong 1 năm theo quy định của ngân hàng).
Công thức:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/360
Ví dụ cách tính lãi suất ngân hàng:
Bạn gửi tiết kiệm 80 triệu VNĐ không kỳ hạn tại ngân hàng, mức lãi suất là 1,5 %/năm. Thời điểm rút tiền gửi là sau 6 tháng, ta sẽ nhận được đúng mức lãi suất là 1,5%.
Tiền lãi = Tiền gửi x 1,5%/360 x 180.
= 80,000,000 x 1,5%/360 x 180 = 600,000 VNĐ.
Cách tính lãi suất ngân hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn
Tiền gửi có kỳ hạn là là loại tiền gửi tiết kiệm chỉ có thể rút ra sau một khoảng thời gian nhất định người gửi tiền đã cam kết với ngân hàng. Bên ngân hàng sẽ đưa ra nhiều mức kỳ hạn khác nhau để khách hàng có thể chọn lựa (theo tuần, tháng, quý, năm…).
Công thức:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm) x số ngày gửi/360.
Số tiền lãi = Số tiền gửi x lãi suất (%năm)/12 x số tháng gửi.
Với cách tính lãi suất có kỳ hạn, mức lãi suất cao hơn. Rút tiền đúng hạn sẽ được nhận toàn bộ mức lãi suất. Nếu đăng ký gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhưng lại rút trước khi đến kỳ hạn, khoản tiền lãi sẽ được tính bằng mức lãi suất không kỳ hạn.
Ví dụ cách tính lãi suất ngân hàng:
Ta có 80 triệu VNĐ, nếu gửi lãi suất có kỳ hạn trong 1 năm, mức lãi suất có thể lên đến 8%. Như vậy, nếu sau một năm gửi tiền, ta sẽ có được khoản tiền lãi:
Số tiền lãi = Tiền gửi * 8%
= 80,000,000 * 8% = 6,400,000 VNĐ.
Nếu đăng ký gói gửi kỳ hạn 6 tháng, ta có số tiền lãi:
Số tiền lãi = Tiền gửi * 8%/360 *180
= 80,000,000 * 8%/360*180 = 3,200,000 VNĐ
Câu hỏi thường gặp về cách tính lãi suất ngân hàng gửi tiết kiệm
Hỏi:”Nếu gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 8%/năm nhưng chưa rút tiền sau nhiều năm, mức lãi suất về sau có thay đổi không? Số tiền lãi được tính như thế nào?”
Trả lời: Đối với trường hợp đã hết kỳ hạn nhưng người gửi tiền tiết kiệm vẫn chưa rút tiền để sử dụng, số tiền sẽ tiếp tục được cộng dồn và tính theo mức lãi suất tiết kiệm thời điểm hiện tại. Có nghĩa khi năm đầu tiên đăng ký tiền gửi, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ là 8%, sau 2-3 năm mức lãi suất tiết kiệm có thể tăng lên và hạ xuống.
Như vậy, ta có cách tính tiền lãi như sau:
– Tiền lãi năm đầu tiên:
Tiền lãi = 80,000,000 * 8% = 6,400,000 VNĐ.
– Tiền lãi năm thứ 2, lãi suất tăng 0,5%. Đến cuối thứ 2, tiền lãi bạn có được là:
Tiền lãi = (80,000,000 + 6,400,000) * 8,5% =7,344,000 VNĐ.
Cứ như vậy, nếu mỗi năm số tiền gửi vẫn tiếp tục ở trong tài khoản, số tiền lãi sẽ được cộng dồn và nhân lên theo mức lãi suất mới.
Hỏi: Đối với trường hợp gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, nếu chỉ đến tháng thứ 3 tôi có nhu cầu đột xuất thì có thể rút một phần hoặc toàn bộ tiền tiết kiệm được không? Nếu được thì tôi được hưởng lãi suất là bao nhiêu?”
Trả lời: Có. Tuy nhiên, nếu rút tiền gửi tiết kiệm trước kỳ hạn, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất không kỳ hạn cho số tiền rút trước kỳ hạn.
Hỏi: Nếu tôi nhận lãi tiền gửi tiết kiệm định kỳ (tháng/quý) nhưng sau đó lại có nhu cầu rút tiền gửi trước kỳ hạn. Vậy tôi sẽ nhận lãi + gốc như thế nào?
Trả lời: Khi rút trước kỳ hạn, khách hàng được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Phần lãi định kỳ mà khách hàng nhận được trước đó phải hoàn lại cho ngân hàng. Ngân hàng sẽ khấu trừ vào phần lãi không kỳ hạn.
Hỏi: Ngân hàng thường có các hình thức trả lãi nào?
Trả lời: Thông thường, ngân hàng sẽ có các hình thức trả lãi phổ biến sau đây: đinh kỳ mỗi tháng, mỗi quý, lĩnh lãi cuối kỳ (khi vừa đáo hạn), lĩnh lãi trước ( khi vừa mở sổ tiết kiệm).
Làm sao để có mức lãi suất tiền gửi ngân hàng tối ưu nhất?
Lựa chọn ngân hàng lớn hay nhỏ?
Trước hết bạn nên chọn một ngân hàng có uy tín, phát triển ổn định với độ an toàn cao. Vậy bằng cách nào để biết tốc độ phát triển của một ngân hàng? Tham khảo các dữ liệu báo cáo tài chính theo từng quý, từng năm là một cách phổ biến.
Những ngân hàng uy tín có thể xuất hiện rất nhiều. Đó có thể là những ngân hàng nhà nước hoặc thương mại, ngân hàng có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Vậy vấn đề đặt ra lãi suất tiền gửi ngân hàng của ngân hàng lớn hay nhỏ thì cao hơn? Có lẽ nhiều người vẫn còn mang tâm lý gửi ở những ngân hàng lớn bao giờ cũng “chắc” hơn. Tuy nhiên trên thực tế những ngân hàng lớn có vốn nhà nước bao giờ cũng có mức lãi suất thấp hơn 1- 1.5%/năm so với các ngân hàng tư nhân. Trong khi đó, trên thị trường tài chính ngày nay có rất nhiều những ngân hàng quy mô nhỏ, kể cả ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt đẩy mức lãi suất lên rất cao. Họ đang khao khát vốn và mong muốn tạo dựng niềm tin từ khách hàng.
Vì vậy theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia tài chính, bạn nên vào các website chính thức, gọi điện hoặc đến trực tiếp ngân hàng. Hãy tham khảo cụ thể mức lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng như những điều kiện đi kèm.
Gửi ngắn hạn hay dài hạn?
Cách gửi tiết kiệm cũng quyết định đến số lãi mà bạn sẽ thu về trong tương lai. Hiện nay các ngân hàng thường có rất nhiều kỳ hạn gửi tiết kiệm đa dạng và linh hoạt. Thời hạn gửi 1, 2 tuần, 1 tháng hoặc dưới 12 tháng, dài trên 12 tháng. Vấn đề nhiều người cần quan tâm là nên gửi ngắn hạn hay dài hạn? Chọn hình thức nào để đạt mức lãi suất tiền gửi ngân hàng cao nhất? Cách đầu tư và quản lý tài chính cá nhân thông minh nhất là nên bám sát vào tình hình thực tế, kế hoạch và mục tiêu từng cá nhân.
Gửi ngắn hạn
Kỳ hạn từ 3 – 6 tháng luôn là sự lựa chọn phổ biến của nhiều khách hàng. Có thể lý giải theo cách dễ hiểu khách hàng vẫn đang rất thận trọng. Vì cuộc đua chạy lãi suất của các ngân hàng trên thị trường tài chính diễn ra rất quyết liệt. Khi có sự chênh lệch về lãi suất, họ sẽ dễ dàng rút tiền ở ngân hàng này để gửi ở ngân hàng khác với mức lãi suất cao hơn.
Nếu bạn chưa có kế hoạch tài chính rõ ràng trong thời gian tới? Lời khuyên dành cho bạn nên gửi tiết kiệm ngắn hạn. Bởi nếu chưa đến thời gian đáo hạn mà bạn cần rút tiền gấp, lãi suất tiền gửi ngân hàng của bạn không kỳ hạn rất thấp hoặc không hề được nhận lãi.
Gửi dài hạn
Trường hợp bạn đã có kế hoạch phân chia rõ ràng giữa tiền chi tiêu và tiền gửi tiết kiệm thì nên lựa chọn kỳ gửi dài hạn, có thể là 12 – 24 tháng để đạt mức lãi suất tốt nhất. Tuy nhiên đối với kỳ gửi dài, bạn cần liên hệ với ngân hàng để làm thủ tục tất toán khi đến hạn, thủ tục đáo hạn nếu muốn gửi tiếp.
Không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ
Tài chính luôn được xem là một trong những lĩnh vực có nhiều biến động nhất từ trước đến nay. Do đó, khách hàng không nên gửi toàn bộ số tiền vào cùng một sổ tiết kiệm. Nếu có điều kiện hãy gửi ít nhất ở 2 sổ tiết kiệm có kỳ hạn khác nhau. Một sổ với kỳ hạn dài để lấy mức lãi suất cố định cho cả năm. Sổ còn lại với kỳ hạn ngắn để dự phòng khi có việc cần rút tiền gấp. Hoặc đó cũng là cách để chúng ta tích trữ vốn chờ những cơ hội đầu tư mới hơn.
Nhìn chung tất cả chúng ta ai cũng mong đạt mức lãi suất tiền gửi ngân hàng tối ưu nhất khi đã lựa chọn hình thức đầu tư tài chính này. Tuy nhiên trước khi quyết định “chọn mặt gửi vàng”, chúng ta cần dựa trên khả năng, mục tiêu và kế hoạch để có cách quản lý tài chính cá nhân thực sự thông minh.
Nên để bao nhiều tiền trong ngân hàng?
Với tài khoản thanh toán
Đây là dạng tài khoản dùng cho các giao dịch thanh toán thông qua ngân hàng, bạn cũng có thể gửi và rút tiền như một tài khoản thông thường. Tài khoản thanh toán còn sẽ được tính lãi nhưng thường số lãi không lớn. Do đó, bạn chỉ nên để khoảng 1 tháng lương trong dạng tài khoản này để chi trả cho các hóa đơn hàng tháng. Khi rút tiền từ tài khoản thì bạn cũng nên lưu ý không nên rút quá nhiều vì sẽ phải đóng phí một khi số tiền thấp hơn số dư tối thiểu.
Với tài khoản tiết kiệm
Nên để bao nhiêu tiền trong ngân hàng với dạng tài khoản tiết kiệm thì câu trả lời là từ 3 tới 6 tháng lương. Như vậy, bạn có thể rút bất kỳ khi nào bạn cần và có thể hưởng mức lãi nhiều hơn so với tài khoản thanh toán. Nếu muốn được lãi suất tiết kiệm cạnh tranh nhất thì bạn nên tham khảo nhiều ngân hàng trước khi ra quyết định gửi.
Bạn cũng nên có một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp cũng với số tiền như trên để dùng cho những trường hợp bất ngờ và cần tài chính. Thêm nữa, nếu có các khoản nợ thì bạn nên để ít nhất một tháng lương trong tài khoản tiết kiệm để trả nợ hay dùng cho các trường hợp cần. Sau khi đã dùng trong chi tiêu cần thiết thì bạn nên tích lũy tiền trở lại trong tài khoản để có thể tiếp tục dùng trong các kỳ tiếp theo.
Lưu ý về tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm
Bạn nên mở tài khoản thanh toán và tiết kiệm ở hai ngân hàng khác nhau dể tạo sự ngăn cách cho những tài khoản này. Như vậy sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu và sẽ phòng tránh được trường hợp chi tiêu không giới hạn. Với dạng tài khoản tiết kiệm thì bạn cũng nên mở nhiều tài khoản khác nhau cho từng mục đích. Chẳng hạn như quỹ tiết kiệm du lịch, như vậy bạn sẽ có thể tiết kiệm từ từ và dùng trong tương lai mà không sợ thâm hụt tài chính.